Một số vấn đề về pháp lý về mô hình trang trại tại Việt Nam

Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02.02.2000 về kinh tế trang trại đến nay, kinh tế trang trại đã thực sự tạo điểm đột phá trong quá trình chuyển nền nông nghiệp từ tự cấp sang sản xuất. 

Đến năm 2003, 45 tỉnh thành của cả nước có gần 72 nghìn trang trại, sử dụng gần 408 nghìn ha, bình quân 5,6 ha/trang trại. Trung bình giá trị canh tác của các trang trại đạt 30 – 35 triệu đồng/ha, đặc biệt có những trang trại nuôi trồng thủy sản đạt trên 100 triệu đồng/ha [1]. Trong mô hình trang trại thì trang trại gia đình là loại hình cơ bản nhất và phổ biến nhất ở nước ta hiện nay. Đây là loại hình trang trại đang cần được khẳng định về cả quan điểm cũng như về cơ sở pháp lý để nó tồn tại và phát triển như các loại hình doanh nghiệp khác. 
Một số vấn đề về pháp lý về mô hình trang trại tại Việt Nam

Tuy nhiên, kinh tế trang trại nói chung và trang trại gia đình nói riêng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh những khó khăn do chưa thống nhất về mặt nhận thức, quan điểm trong việc phát triển mô hình trang trại phải kể đến khó khăn về mặt pháp luật. Nhiều vấn đề về địa vị pháp lý của trang trại gia đình vẫn chưa được xác định rõ ràng. Bài viết này chỉ đề cập đến một số vấn đề liên quan đến địa vị pháp lý của trang trại gia đình, đó là : Tư cách pháp lý, cấp giấy chứng nhận, đăng ký kinh doanh và các tiêu chí xác định trang trại.

1. Một số bất cập của pháp luật về địa vị pháp lý của trang trại gia đình :

1.1. Về tư cách pháp lý, cấp giấy chứng nhận, đăng ký kinh doanh cho trang trại gia đình :

Trang trại gia đình là một loại hình kinh doanh mới xuất hiện trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay. Pháp luật cũng ghi nhận đây là một hình thức tổ chức sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp nông thôn, dựa trên cơ sở hộ gia đình và là một hình thức phát triển cao hơn của hộ gia đình. Tuy nhiên, hiện nay các trang trại gia đình chưa được xác định là đơn vị kinh tế thuộc loại hình kinh doanh nào. Trên thực tế, trang trại gia đình được coi như kinh tế hộ, kinh tế tiểu chủ, được đăng ký về nhân khẩu và bộ sổ thuế như hộ gia đình. Với tư cách pháp lý như vậy đã khiến các trang trại gặp không ít khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh, nhất là trong quan hệ với ngân hàng. Đặc biệt đây sẽ là trở ngại rất lớn cho các trang trại khi tham gia vào các quan hệ kinh doanh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Bên cạnh đó, do pháp luật chưa có quy định hướng dẫn về trình tự, thủ tục cấp và thu hồi giấy chứng nhận trang trại cho hộ gia đình sản xuất đáp ứng các tiêu chí trang trại, cho nên khi chủ trang trại giao dịch với các cơ quan thuế, ngân hàng họ đã không được hưởng các chính sách ưu đãi đối với kinh tế trang trại mà Nghị quyết 02/2000/NQ-CP ngày 02.02.2000 của Chính phủ đã quy định. Hiện nay, trên cả nước mới chỉ có 3 tỉnh (Trà Vinh, Hải Dương, Bình Thuận) tiến hành thủ tục cấp giấy chứng nhận cho trang trại. Còn đa số các chủ trang trại đều “không biết ai cấp để mà xin và cũng không biết giá trị của nó như thế nào” [1].

Mặt khác, giấy chứng nhận là trang trại khi được cấp sẽ có giá trị pháp lý như thế nào? Nó có thay thế cho giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không? Hay đây chỉ là sự xác nhận một hộ đủ điều kiện để kinh doanh theo hình thức trang trại và sau đó trang trại vẫn phải đăng ký kinh doanh? Vấn đề này vẫn chưa được pháp luật quy định rõ ràng.

Cũng vì chưa làm rõ tư cách pháp lý nên nhiều vấn đề như đăng ký kinh doanh, tổ chức hoạt động, giải thể, liên doanh, hợp tác,… của loại hình trang trại gia đình vẫn chưa được pháp luật quan tâm điều chỉnh. Chính vì vậy, việc xác định tư cách pháp lý phù hợp và tạo một hành lang pháp lý cho trang trại gia đình là một yêu cầu rất cần thiết xuất phát từ thực tiễn khách quan của loại hình này và quản lý Nhà nước.

1.2. Về các tiêu chí xác định trang trại :

Thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK ngày 23.6.2000 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Tổng cục thống kê đã hướng dẫn về tiêu chí để xác định một hộ sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản là trang trại. Theo đó, một hộ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản để được coi là trang trại phải đáp ứng cả hai tiêu chí :

Thứ nhất : Giá trị sản lượng hàng hoá, dịch vụ bình quân năm.

Thứ hai : Quy mô sản xuất.

Việc ban hành các tiêu chí trên bước đầu đã giúp cho việc thống kê, đánh giá tình hình trang trại được thống nhất trên phạm vi toàn quốc và làm cơ sở cho việc thực hiện các chính sách đối với kinh tế trang trại. Tuy vậy, quá trình vận dụng các tiêu chí này trên thực tế đã làm nảy sinh một số vấn đề bất hợp lý.

Về tiêu chí thứ nhất : Giá trị sản lượng hàng hoá, dịch vụ bình quân năm. Thực tế cho thấy, mức mà Thông tư 69 quy định (từ 40 triệu đồng trở lên đối với trang trại phía Bắc và 50 triệu đồng trở lên đối với trang trại phía Nam) là tương đối cao so tình hình phát triển trang trại ở Việt Nam. Kinh nghiệm ở các nước cho thấy, việc định lượng quy mô giá trị sản phẩm hàng hoá cho trang trại gia đình còn tuỳ thuộc vào từng nước và từng thời kỳ, nhưng cũng không nên quá cao. Đơn cử như ở Mỹ, trang trại đã phát triển trên 2000 năm, nhưng tiêu chí quy mô giá trị sản phẩm hàng hoá của trang trại được xác định từ 1.000 USD/năm trở lên. Tỷ lệ số trang trại có quy mô giá trị sản phẩm hàng hoá từ 1.000 – 4.999 USD/năm (tương đương khoảng 15 – 70 triệu đồng) cũng chỉ chiếm khoảng 35,8% [1] .

Về tiêu chí thứ hai : Quy mô sản xuất. Đây là tiêu chí bổ sung cho tiêu chí thứ nhất. Tuy nhiên, việc quy định tiêu chí này như tại Thông tư 69 đã không thể hiện được mối quan hệ này, thậm chí còn tách rời và mâu thuẫn với tiêu chí thứ nhất. Chẳng hạn, theo quy định thì đối với trang trại trồng cây hàng năm phải có diện tích từ 2 ha trở lên đối với phía Bắc và từ 3 ha trở lên đối với phía Nam, nhưng trên thực tế khó tìm được cây gì trồng (trừ hoa, rau) để cho giá trị sản phẩm hàng hoá đạt từ 40 – 50 triệu đồng/năm trở lên. Bên cạnh đó, giá trị sản phẩm hàng hoá cây lâu năm trên một đơn vị diện tích nói chung cao hơn nhiều so với cây hàng năm thì diện tích cây lâu năm Thông tư 69 lại quy định cao hơn….

Sau đó, Thông tư liên tịch số 62/TTLT/BNN-TCTK, ngày 20.5.2003 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Tổng cục thống kê và Thông tư số 74/2003/TT-BNN, ngày 04.7.2003 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung Mục III của Thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK ngày 23.6.2000. Theo đó, một hộ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản được xác định là trang trại chỉ cần đạt một trong hai tiêu chí về giá trị sản lượng hàng hoá, dịch vụ bình quân 1 năm, hoặc về quy mô sản xuất của trang trại được quy định của Thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT-BNN-TCTK. Theo chúng tôi, quy định này là chưa hợp lý. Nó dẫn đến một thực tế là nhiều trang trại có thể thoả mãn điều kiện về giá trị sản lượng hàng hoá nhưng quy mô sản xuất lại nhỏ bé đơn giản, hoặc quy mô sản sản có thể rất lớn nhưng giá trị hàng hoá lại không cao. Trong khi đó, một đặc trưng quan trọng của trang trại gia đình đó là sản xuất hàng hoá với quy mô lớn, cao hơn hẳn so với hộ gia đình.

2. Một số kiến nghị :

2.1. Về tư cách pháp lý.

Tuỳ thuộc vào các đối tượng tham gia đầu tư, vào sở hữu và tính chất mà kinh tế trang trại được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới các hình thức pháp lý nhất định theo các Luật tương ứng. Ví dụ : Công ty hoặc Doanh nghiệp tư nhân theo Luật Doanh nghiệp, Hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã, Doanh nghiệp Nhà nước theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Công ty liên doanh hoặc Công ty 100% vốn nước ngoài theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam,... Riêng loại hình trang trại gia đình vẫn chưa được xác định rõ ràng về tư cách pháp lý. Hiện nay, về mặt pháp lý, trang trại gia đình vẫn đang phải khoác trên mình “chiếc áo” của hộ kinh doanh cá thể. Trong khi đó, loại hình này có sự khác biệt rất lớn, rất cơ bản đối với hộ gia đình, đó là trình độ sản xuất hàng hoá cao hơn và quy mô sản xuất lớn hơn rất nhiều. Chính vì sự không “chính danh” về mặt pháp lý này đã gây ra nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của trang trại gia đình. Xuất phát từ các đặc trưng của trang trại gia đình, cũng như thực tế hình thành, phát triển của loại hình này ở nước ta trong thời gian qua, chúng tôi cho rằng trang trại gia đình là một loại hình kinh doanh mới xuất hiện trong nền kinh tế thị trường ở nước ta khi tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn [1] . Đã đến lúc cần phải khẳng định tư cách pháp lý độc lập, chủ thể kinh doanh độc lập cho loại hình trang trại gia đình. Trang trại gia đình phải được đối xử bình đẳng về mặt pháp lý như các loại hình doanh nghiệp khác. Đây chính là cơ sở quan trọng cho việc ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho trang trại gia gia đình phát triển chắc chắn, đúng định hướng phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần của Đảng và Nhà nước .

2.2. Về các tiêu chí nhận dạng .

Việc quy định các tiêu chí để xác định một hộ gia đình đủ điều kiện kinh doanh theo hình thức trang trại gia đình, theo chúng tôi, là vẫn rất cần thiết, nó giúp phân biệt rõ giữa hộ gia đình và trang trại gia đình, đồng thời tránh tình trạng đăng ký làm trang trại gia đình một cách tràn lan, trong khi chưa hội đủ các yếu tố cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ các tiêu chí phải được xác định trên cơ sở khoa học và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta hiện nay.

Xuất phát từ sự khác biệt căn bản của trang trại gia đình với hộ gia đình đó là : trình độ sản xuất hàng hoá cao hơn và quy mô sản xuất lớn hơn. Do vậy, một hộ gia đình muốn được kinh doanh dưới hình thức trang trại gia đình nhất thiết phải thoả mãn được cả hai tiêu chí như Thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT-BNN-TCTK ngày 23.6.2000 trước đây đã quy định :

· Giá trị sản lượng hàng hoá, dịch vụ bình quân 1 năm
· Quy mô sản xuất của trang trại

Điều này nhằm tránh những trường hợp (mà thực tế là đã từng xảy ra), một trang trại có thể thoả mãn điều kiện về giá trị sản lượng hàng hoá nhưng quy mô sản xuất lại nhỏ bé đơn giản, ngược lại, có trang trại quy mô sản sản rất lớn nhưng giá trị hàng hoá lại không cao, không hiệu quả. Do vậy, hộ gia đình được công nhận là trang trại gia đình không thể hiện được các yếu tố đặc trưng của trang trại. Việc quy định một hộ gia đình phải thỏa mãn cả hai tiêu chí như trên mới được xem là đủ điều kinh doanh theo hình thức trang trại còn nhằm mục đích hạn chế những trường hợp lợi dụng chủ trương phát triển trang trại để tích tụ, đầu cơ đất kinh doanh kiếm lời mà thực tế cũng đã xảy ra trong thời gian qua. Ở các nước khác cũng vậy, ví dụ ở Mỹ mặc dù quan niệm trang trại nhỏ trở nên phổ biến và là hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả. Tuy nhiên ở các trang trại này cũng phải đạt tiêu chuẩn nhất định về quy mô và tính chất sản xuất hàng hoá. Do vậy, theo chúng tôi, để được kinh doanh trang trại gia đình bắt buộc phải thoả mãn đồng thời cả hai tiêu chí : giá trị sản lượng hàng hoá, dịch vụ bình quân 1 năm và quy mô sản xuất của trang trại như quy định trong Thông tư 69/2000/TTLT/BNN-TCTK ngày 23.6.2000 là cần thiết. Song cần phải sửa đổi bổ sung cho phù hợp theo hướng làm rõ vị trí của từng tiêu chí và mối quan hệ giữa hai tiêu chí đó. Tiêu chí thứ nhất - giá trị sản lượng hàng hoá là tiêu chí cơ bản, thước đo chủ yếu để xác định trang trại gia đình. Còn tiêu chí thứ 2 - quy mô sản xuất là nhằm bổ sung cho tiêu chí thứ nhất. Việc định lượng cụ thể tiêu chí quy mô sản xuất, vì vậy, phải thể hiện sự gắn kết , bổ sung cho tiêu chí giá trị sản lượng hàng hoá. Mặt khác, cũng cần phải xem lại mức định lượng quy mô giá trị sản lượng hàng hoá, vì hiện nay mức này theo quy định trong Thông tư 69/2000/TTLT/BNN-TCTK là 40 triệu đồng trở lên đối với trang trại phía Bắc, 50 triệu đồng trở lên đối với trang trại phía Nam là tương đối cao, nhất là trong thời kỳ trang trại gia đình mới bắt đầu phát triển.



2.3. Về đăng ký kinh doanh.

Đăng ký kinh doanh cho trang trại gia đình là một việc làm hợp lý và hết sức cần thiết. Một khi chúng ta đã thừa nhận trang trại gia đình là một loại hình kinh doanh mới, tồn tại độc lập cùng với các loại hình kinh doanh khác trong nền kinh tế thị trường thì việc đăng ký kinh doanh cho trang trại gia đình là hoàn toàn hợp lý. Điều này thể hiện sự phân biệt giữa trang trại gia đình với các hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối có thu nhập thấp (là đối tượng không phải đăng ký kinh doanh theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 03.02.2000 của Chính phủ). Đồng thời, qua việc đăng ký kinh doanh cho trang trại gia đình còn thể hiện sự độc lập, bình đẳng về địa vị pháp lý của trang trại gia đình với các chủ thể kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế khác. Thông qua đó, giúp cho Nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý của mình đối với loại hình trang trại gia đình. Mặt khác, để đảm bảo quyền tự do kinh doanh và tinh thần cải cách thủ tục hành chính hiện nay, không cần thiết phải đặt ra thủ tục cấp giấy chứng nhận cho trang trại gia đình. Việc thỏa mãn các tiêu chí của trang trại gia đình sẽ được các hộ gia đình chứng minh thông qua các giấy tờ cần thiết trong hồ sơ đăng ký kinh doanh (ví dụ như giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, báo cáo tóm tắt tình hình sản xuất kinh doanh,...). Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là cơ sở pháp lý duy nhất chứng minh tư cách pháp lý của trang trại gia đình.

Ở nước ta, trang trại gia đình đã có hơn 4 năm hình thành và phát triển. Đã đến lúc cần phải nhìn lại để thấy rõ mặt mạnh, mặt còn hạn chế của chính sách pháp luật về trang trại gia đình. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển trang trại gia đình, Nhà nước cần ban hành một Luật hoặc Pháp lệnh về trang trại gia đình tạo khung pháp lý cho hoạt động của loại hình này, trong đó xác định rõ khái niệm, đặc điểm pháp lý, các điều kiện để được xác định là trang trại gia đình, trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh, quyền và nghĩa vụ của trang trại, …. .

Với một tư cách pháp lý độc lập, một địa vị pháp lý bình đẳng với các chủ thể kinh doanh khác sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để trang trại gia đình tự tin, chủ động bước vào “sân chơi” lớn – nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần như ở nước ta hiện nay

Ths. Lê Trường Sơn 

0 Response to "Một số vấn đề về pháp lý về mô hình trang trại tại Việt Nam"

Post a Comment