Với nhiều ưu điểm như sức đề kháng cao; không cần đầu tư nhiều thời gian về chăm sóc, thức ăn, chuồng trại; hiệu quả kinh tế cao... mô hình nuôi chim trĩ đỏ do Phòng Kinh tế thành phố Quảng Ngãi triển khai tại hộ ông Đồng Rân ở thôn 2 xã Nghĩa Dõng, Tp. Quảng Ngãi đã mở ra hướng lựa chọn mới cho bà con nông dân để phát triển kinh tế gia đình.
Chim trĩ đỏ vốn là động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ, tuy nhiên hiện nay giống chim trĩ này đã được gây nuôi thành công tại nhiều địa phương. Nguồn thực phẩm từ chim trĩ được đánh giá giàu protein, vitamin, canxi, sắt, nhưng do tính chất quý hiếm, ngoại hình đẹp nên chim trĩ chủ yếu được nuôi làm cảnh.
Ở tỉnh ta, ông Đồng Rân là hộ đầu tiên được Phòng Kinh tế thành phố Quảng Ngãi hỗ trợ để thực hiện mô hình trình diễn với số lượng 100 con chim giống Trĩ đỏ để nuôi theo hướng chim cảnh, chim thịt và chim giống.
Trong thời gian đầu đưa về nuôi, do ông chưa nắm được kỹ thuật nuôi, cộng với điều kiện thời tiết không thuận lợi nên đàn chim bị hao hụt, nhưng sau đó nhờ được cán bộ kỹ thuật Phòng Kinh tế thành phố theo dõi và hướng dẫn tỉ mỉ về kỹ thuật chăn nuôi nên đàn chim dần thích nghi và sinh trưởng, phát triển tốt. Sau hơn 6 tháng nuôi, chim trống đạt trọng lượng 1,1 - 1,4kg/con, chim mái khoảng 0,8kg/con. Đến khoảng 8 tháng, chim mái bắt đầu đẻ trứng. Thời gian đẻ thường từ đầu tháng 1 âm lịch đến khoảng tháng 4 âm lịch. Sau đó chim trĩ ngừng đẻ khoảng 1 tháng rồi tiếp tục đẻ lứa thứ 2 đến khoảng tháng 8 âm lịch thì nghỉ. Một chim mái bình quân mỗi năm có thể đẻ từ 68 - 80 trứng.
Qua thực tế nuôi, ông Đồng Rân cho biết: Kỹ thuật nuôi chim Trĩ đỏ rất đơn giản từ khâu úm con giống, chăm sóc, thời kỳ đẻ trứng đến cho ăn, uống cơ bản giống như gà. Lượng thức ăn của một con chim trĩ từ nhỏ đến khi xuất chuồng chỉ bằng nuôi gà nhưng giá bán cao hơn so với nuôi gà, nên lãi hơn nhiều. Chim trĩ thịt được ông bán với giá 300.000 đồng/con, chim trĩ giống là 100.000 đồng/con, chim đực đã thành thục bán làm cảnh là 1.500.000 đồng/con, chim sinh sản là 1.000.000 đồng/con và giá trứng là 20 nghìn đồng/quả.
Hiện tại, mô hình nuôi chim Trĩ giống của ông có 38 con chim, trong đó có 25 con mái, 13 con trống và đã có 7 con chim mái đang đẻ trứng. Qua tính toán sơ bộ, hiệu quả kinh tế đem lại từ mô hình khá cao, ước tổng thu từ 38 con chim Trĩ của ông Rân khoảng 58 triệu đồng, trừ chi phí 31 triệu đồng, ông Rân còn lãi gần 27 triệu đồng sau 6 tháng nuôi.
Từ những kết quả đã đạt được, để tiếp tục nhân rộng mô hình, ông đã đầu tư mua máy ấp trứng để tự ấp con giống, nhằm chủ động nguồn giống cho gia đình và cung cấp cho bà con có nhu cầu nuôi giống chim này.
Ông Trần Dương, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Quảng Ngãi đánh giá: Đây là loài gia cầm có kỹ thuật chăn nuôi đơn giản, nhưng cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, kinh nghiệm trong nuôi các loài đặc sản cho thấy, muốn giành thắng lợi, phải tranh thủ đầu tư phát triển mô hình vào thời kỳ đầu, tức là khi có ít hộ đầu tư chăn nuôi. Hiện giờ đang là thời kỳ khởi điểm của phong trào chăn nuôi chim trĩ đỏ. Do đó, bà con có nhu cầu nuôi giống chim này có thể liên hệ với Phòng Kinh tế thành phố, chúng tôi sẽ cung ứng giống cho bà con...
Mặc dù, nuôi chim trĩ đỏ không khó, gần giống như nuôi gà nhưng hiện nay mô hình này còn khá mới, phần lớn bà con chưa có điều kiện tiếp cận cũng như tìm hiểu thông tin về quy trình kỹ thuật nuôi giống chim này. Do đó, để nuôi thành công giống chim trĩ đỏ, bà con cần tìm hiểu thông tin và nắm vững kỹ thuật trước khi bắt tay vào nuôi giống chim này. Ông Phạm Quốc Thanh, cán bộ kỹ thuật của Phòng Kinh tế thành phố Quảng Ngãi khuyến cáo: Đối với chim Trĩ đỏ, tỷ lệ nuôi sống giai đoạn 4 tuần tuổi là 55%, từ 4 đến 12 tuần tuổi 90%, từ 12 đến 24 tuần tuổi là 100%, do đó, bà con muốn nuôi đạt tỉ lệ sống cao nên chọn mua chim giống giai đoạn 4 tuần tuổi trở lên. Chuồng nuôi phải được che chắn tránh gió bắc, không để nước mưa làm chim bị ước vì loài chim Trĩ đỏ kỵ nước, nền phải trải cát khô. Chim Trĩ là động vật hoang dã nên sức đề kháng cao. Tuy nhiên, để đảm bảo tỉ lệ nuôi thành công thì khâu vệ sinh chuồng trại là yếu tố rất quan trọng. Do đó, phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại định kỳ 2 - 3 lần/tuần. Phun thuốc khử trùng định kỳ. Thường xuyên kiểm tra để loại bỏ các vật sắc, nhọn, sợi nilông trong khu vực nuôi đề phòng chim ăn phải sẽ dẫn đến thủng diều và chết. Khi nuôi, không nên nhốt hai con trống vào cùng một chuồng, tránh hiện tượng mổ lẫn nhau. Thức ăn cho chim trĩ cần kết hợp giữa các loại hạt ngũ cốc, rau xanh, cám công nghiệp; cho chim trĩ ăn, uống theo bữa, tính toán sao cho vừa đủ, không để lại lượng thức ăn thừa. Khi chim đẻ, cần bổ sung cám đậm đặc của gà để vỏ trứng chim dày, hạn chế trứng bị giập vỡ. Do chim không có bản năng ấp trứng nên phải nhờ gà ấp hộ (tỉ lệ ấp nở đạt 60%) hoặc sử dụng phương pháp ấp bằng máy (tỉ lệ nở đạt trên 80%)... Đối với chim trống chúng có bộ mỏ nhọn sắc, nên phải cắt hoặc mài bớt phần mỏ tránh chim ăn trứng. Khi thời tiết chuyển mùa cần trộn thuốc kháng sinh trị bệnh đường ruột vào thức ăn để phòng bệnh tiêu chảy...
Với hiệu quả mang lại, mô hình nuôi chim trĩ đỏ của hộ ông Đồng Rân đã mở ra hướng đi đầy hứa hẹn cho các hộ dân ở thành phố, nơi mà diện tích đất sản xuất ngày càng hạn hẹp như hiện nay. Và điều quan trọng hơn cả là mô hình đã góp phần bảo tồn được nguồn gen động vật quý hiếm của nước ta.
0 Response to "Kĩ thuật nuôi chim trĩ"
Post a Comment